Nói đến lính quân bưu, nhiều người nghĩ ngay đến công việc của một bưu tá, người đưa thư. Tuy nhiên ít ai biết hết những khó khăn, vất vả mà những người lính quân bưu phải trải qua để đảm bảo công văn, giấy tờ được chuyển đến các đơn vị quân đội nhanh chóng, chính xác, kịp thời và tuyệt đối bảo mật.
Một buổi sáng cuối tháng 8 nắng oi ả tại Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, hạ sĩ Hồ Tấn Lợi (22 tuổi, chiến sĩ Tổ quân bưu) kiểm tra lại công văn, giấy tờ, sắp xếp cẩn thận trong chiếc cặp đen đã nhuốm màu thời gian rồi đạp xe lên đường đi giao cho một số đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn phường Long Bình, TP.Biên Hòa (cách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khoảng 15km).
Do quy định trong quân đội, các chiến sĩ tại ngũ không được đi xe máy nên anh Lợi phải dùng xe đạp để đi giao công văn. Những ngày thời tiết nắng nóng, đạp xe trên những tuyến đường dài, nhiều dốc như các tuyến đường ở phường Long Bình khá vất vả, mồ hôi nhễ nhại. Thế nhưng hạ sĩ Lợi cho rằng vẫn không đáng ngại bằng những ngày mưa to gió lớn. Công văn hỏa tốc không thể chần chừ nên phải đạp xe đi trong mưa gió, không lo bị ướt người mà chỉ lo công văn, giấy tờ bị ướt, ảnh hưởng đến công việc chung.
Hay tại Đại đội 18 Thông tin Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, với nhiệm vụ chuyển công văn, tài liệu từ Bộ CHQS tỉnh tới các cơ quan, đơn vị và ngược lại, chiến sĩ Trịnh Ngọc Huy hơn 1 năm qua làm bạn với chiếc xe đạp, bon bon trên mọi nẻo đường của TP. Huế. “Đạp xe hàng chục cây số mỗi ngày đã quá bình thường với em. Là một chiến sĩ quân bưu với trọng trách đảm bảo thông suốt thông tin cho toàn lực lượng vũ trang, em thấy rất vinh dự”, Huy bộc bạch.
Hơn 1 năm nhận nhiệm vụ, cũng là chừng đó thời gian chiến sĩ Trịnh Ngọc Huy làm bạn với chiếc xe đạp Thống Nhất và chiếc túi đựng đầy công văn, tài liệu. Dù mưa hay nắng, chiếc xe đạp lính vẫn đều đặn những vòng quay, có khi chầm chậm, có khi gấp rút. Bước chân của người chiến sĩ quân bưu vẫn “trên từng cây số”.
“Theo quy định trong quân đội, chiến sĩ tại ngũ không được đi xe gắn máy. Ở Bộ CHQS tỉnh chỉ có duy nhất lính quân bưu được biên chế cho chiếc xe đạp Thống Nhất này, nên “oách” lắm. Những lúc rong ruổi trên các nẻo đường cùng “con chiến mã”, ngắm vẻ đẹp bình yên, thơ mộng của thành phố càng thêm yêu, tự hào về quê hương…”, Huy cười tươi.
Gắn bó với xe đạp mỗi ngày nên chẳng biết từ khi nào Huy coi xe như một người bạn thân thiết, người đồng hành đáng tin cậy. Ngoài những giờ làm nhiệm vụ, Huy đều dành thời gian để chăm sóc, bảo dưỡng cho xe.
Hình ảnh người lính quân bưu cũng được tô điểm tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 601. Tại đây trung bình mỗi ngày sẽ giao, nhận trên 200 công văn, tài liệu các loại. Trong đó, có tài liệu mật, công văn hẹn giờ, công văn hỏa tốc đòi hỏi các chiến sĩ phải thực hiện nhanh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu gặp những sự cố bất ngờ như xe hỏng, mưa bão… các chiến sĩ phải hết sức linh hoạt, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đúng giờ, bảo đảm an toàn, không để mất mát, hư hỏng công văn tài liệu.
Trò chuyện với các chiến sĩ quân bưu, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện, những tình huống phát sinh trên đường công tác, qua những kỷ niệm đáng nhớ của các chiến sĩ, chúng tôi càng thêm thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người lính quân bưu. Chiến sĩ Lý Công Sự cho biết: Sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 2, tôi được chuyển về huấn luyện chuyên ngành quân bưu và công tác tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 1. Đơn vị có nhiều trạm lẻ tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang làm tuyến trung chuyển công văn. Có lần tôi được cử đi trạm Cao Bằng công tác, là chiến sĩ mới chưa thông thuộc đường xá, cộng thêm đường trên Cao Bằng nhiều đèo, dốc, trong đó nhiều đoạn đường một bên là vách đá chênh vênh, một bên là vực sâu rất nguy hiểm. Hôm ấy tôi bị lạc đường mất nửa ngày, cũng may gặp được một người dân chỉ đường nên mới đến được đúng địa chỉ. Rút kinh nghiệm từ lần đó, tôi nghiên cứu nắm chắc nhiệm vụ, đường đi và luôn vận chuyển công văn, tài liệu đúng giờ.
Sau câu chuyện của Lý Công Sự, chiến sĩ Lý Văn Hùng say sưa kể tiếp: Có lần công văn về rất nhiều, chủ yếu là công văn hẹn giờ và hỏa tốc, cả đại đội phải tham gia vận chuyển. Giữa trưa, cán bộ, chiến sĩ phải tức tốc ra bến xe để đi các tuyến cho kịp giờ, tôi được giao cho chuyển công văn hỏa tốc vào nội thành Hà Nội, trời nắng, đi xe buýt thì tắc đường, tôi phải chạy bộ cấp tốc 4km để kịp thời gian quy định, áo ướt đẫm, mắt cay xè vì mồ hôi nhưng tôi vẫn thấy phấn chấn vì đã hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy giao.
Là những người lính ưu tú đảm nhận nhiệm vụ quan trọng của đơn vị, các chiến sĩ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không để xảy ra sai sót, thất lạc, chậm trễ công văn, tài liệu. Cũng chính những thử thách, yêu cầu cao trong công việc đã giúp các chiến sĩ rèn luyện được đức tính cẩn trọng, kiên nhẫn và nhanh nhẹn, nghiêm túc trong công việc. Những chiến sĩ quân bưu ấy vẫn âm thầm vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.