Văn hóa xe đạp là gì?
Văn hóa xe đạp (Bicycle culture) là văn hóa ủng hộ sử dụng phương tiện xe đạp, thường chỉ hoạt động đạp xe tiện ích, tức đạp xe đơn giản như một phương tiện giao thông hơn là một loại hình thể thao hay giải trí. Một nền văn hóa xe đạp vững mạnh thường phải có cơ sở vật chất phát triển tốt phục vụ cho hoạt động đạp xe, như các làn đường xe đạp riêng biệt hay giá để xe đạp – một thiết bị chuyên dụng cho việc đạp xe trong đô thị.
Những người ủng hộ văn hóa xe đạp thường hướng đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng (làn đường, bãi đỗ xe, …) hay cải thiện hệ thống quy định, pháp luật nhằm bảo vệ sự an toàn và quyền lợi của người đi xe đạp.
Các quốc gia nổi tiếng về văn hóa đi xe đạp
Hiện nay, trên thế giới, song song với sự phát triển của các loại phương tiện tự động tân tiến, một số quốc gia, đa phần là các quốc gia phát triển, vẫn gắn liền với văn hóa xe đạp.
Đan Mạch
Đúng như câu nói “The bike is a Dane’s best friend” – “Xe đạp là bạn thân nhất của người Đan Mạch”, dẫu tiết trời nắng, mưa hay tuyết, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân Đan Mạch di chuyển trên chiếc xe đạp để đi làm, mua sắm hay đến các sự kiện xã hội.
Vào giờ cao điểm, làn xe đạp ở thủ đô Copenhagen luôn đông đúc không kém gì làn xe ô tô ở các quốc gia khác trên thế giới. Người Đan Mạch sử dụng nhiều loại xe đạp, từ xe đạp thể thao, xe đạp đua chuyên dụng đến xe đạp cargo dùng để chở trẻ em hay chở hàng hóa.
Bạn có biết, ở Đan Mạch:
+ Cứ 10 người thì có 9 người dân Đan Mạch sở hữu một chiếc xe đạp.
+ Trung bình mỗi ngày, một người Đan Mạch di chuyển quãng đường 1.6km bằng phương tiện hai bánh này.
+ Đạp xe là phương thức chiếm ¼ các quãng đường di chuyển vì mục đích cá nhân dưới 5km.
Hà Lan
Chỉ cần một cái nhìn qua đường phố ở thủ đô Amsterdam, có thể lập tức nhận ra Hà Lan là một quốc gia của xe đạp. Sở hữu địa hình thuận lợi và khoảng cách giữa các thị trấn, thành phố gần nhau, đất nước này hiện có tổng độ dài làn đường riêng cho xe đạp vào khoảng 35.000km. Với dân số chỉ khoảng 17 triệu, thật khó tin khi số lượng xe đạp được thống kê ở Hà Lan lại vượt trên cả con số này, lên đến 23 triệu chiếc!
Một điều thú vị khác về quốc gia này chính là đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không là một phần văn hóa xe đạp ở đây. Theo phát biểu của nhà phân tích Theo Zeegers trong tạp chí gần đây của Liên Đoàn Xe đạp Hà Lan, việc đội mũ bảo hiểm thực chất chỉ tạo ra một cảm giác an toàn “giả”. Với người Hà Lan, sự an toàn đến từ chính cơ sở hạ tầng, từ sự di chuyển đúng mực của các loại phương tiện khác thay vì trang bị bảo hộ cá nhân.
Các loại xe đạp thông dụng ở Hà Lan bao gồm xe đạp Omafiets truyền thống, xe đạp gấp hay xe đạp điện cũng đang trở nên vô cùng phổ biến.
Nhật Bản
Đất nước cuối cùng trong danh sách này chính là xứ sở hoa anh đào nằm ở khu vực Đông Á. Thủ đô Tokyo chỉ có vỏn vẹn 10km làn đường xe đạp, mặc cho 85% của 13 triệu dân nơi đây sở hữu xe đạp. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn sử dụng xe đạp, bao gồm chi phí đắt đỏ để duy trì phương tiện có động cơ và các quãng đường cần đi hàng ngày chỉ ở mức gần.
Làm thế nào quốc gia đông dân này – cái nôi của rất nhiều công nghệ tự động và mạng lưới giao thông công cộng hiện đại – lại duy trì được văn hóa xe đạp vô cùng bền vững? Câu trả lời thuyết phục nhất có lẽ nằm ở ý thức đáng khâm phục của người Nhật khi tham gia giao thông, khi mà người sử dụng xe đạp luôn cố gắng hết mình để chia sẻ phần đường và tránh xảy ra va chạm với người dân đi bộ.
Nguồn: trumxedap.com