Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe “từ nhà anh tới nhà em” 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên “Nón lá”

Thibault (30 tuổi) và Nguyên (26 tuổi) kết hôn sau 3 năm tìm hiểu. Năm 2018, Thibault nói với vợ rằng anh muốn thực hiện chuyến đi lớn nhất cuộc đời, cùng đạp xe từ Pháp về Việt Nam, cũng chính là “từ nhà anh về nhà em”. Và Nguyên ngay lập tức ủng hộ.

Thibault, 30 tuổi, là một chàng trai người Pháp yêu thích đạp xe và đã từng hoàn thành lộ trình 4.000 km quanh Châu Âu cùng em trai. Thibault đã từng làm việc cho một công ty Pháp tại Sài Gòn. Chàng thích đọc sách, đặc biệt là sách về triết học (Nietzsche, Camus, Montaigne…), nhiếp ảnh và làm quen với mọi người.

Khánh Nguyên, 26 tuổi, sinh ra ở Việt Nam, từng làm việc tại một ngân hàng nước ngoài. Nguyên chưa từng có kinh nghiệm đạp xe trước khi quen Thibault.

Thibault và Nguyên gặp nhau lần đầu vào năm 2015, tại một quán cà phê nhỏ ở Sài Gòn. Từ khi quen nhau, họ thường xuyên chia sẻ niềm yêu thích phiêu lưu. Chàng trai Pháp và cô gái Việt Nam “về chung một nhà” 3 năm sau đó, chung sống với nhau tại Việt Nam. Năm 2018, Thibault nói với Nguyên rằng anh ấy có ước muốn cùng nhau đạp xe từ Pháp về Việt Nam và Nguyên ngay lập tức ủng hộ, bởi “đạp xe từ Pháp về Việt Nam cũng chính là “đạp xe từ nhà anh về nhà em”.

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 1.

Một chuyến đi trăng mật thật đặc biệt, và hành trình yêu thương mang tên “Nón lá Project” đã chính thức bắt đầu từ ngày 16/4/2019, từ nhà của Thibault về nhà Khánh Nguyên!

Trong suốt chuyến đi, Thibault và Nguyên mong muốn có thể kêu gọi gây quỹ cho tổ chức phi lợi nhuận “Poussières de Vie” (Dust of Life), nơi cho phép những đứa trẻ từ những gia đình nghèo khó được đến trường, được đào tạo và được hỗ trợ tìm việc làm khi các em trưởng thành.

“Nón Lá Project” dự kiến kêu gọi 1 USD cho mỗi km đạp xe. Như vậy, chuyến hành trình dài 16.000 km từ Pháp về Việt Nam sẽ nhận được số tiền gây quỹ tương đương 16.000 USD, và toàn bộ số tiền quyên góp này sẽ chuyển trực tiếp tới “Poussières de Vie”!.

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe "từ nhà anh tới nhà em" 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên "Nón lá" - Ảnh 2.

2 vợ chồng Thibault và Khánh Nguyên kết hôn sau 3 năm tìm hiểu nhau và quyết định thực hiện một chuyến đi trăng mật thật đặc biệt. 

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 3.

Hành trình của yêu thương mang tên “Nón lá Project” với mong muốn gây quỹ giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 4.

Bản đồ từ “nhà anh” về “nhà em” hơn 16.000km, tương đương 16.000 USD gây quỹ từ thiện.

Bắt đầu hành trình

Tụi mình đã dành nhiều thời gian tìm hiểu mọi thứ từ thông tin lộ trình, kinh nghiệm đi đường, tìm xe đạp đến các phương tiện vật dụng cần thiết. Bây giờ chúng mình đã sẵn sàng để thưởng thức chuyến đi, bàn chân đã đặt trên pê đan. Con đường rộng mở phía trước, Việt Nam: chúng mình đang đến đây!

16/4/2019, hành trình bắt đầu.

Bốn ngày đầu đạp xe, là khoảng thời gian dần làm quen với việc đạp xe chất đầy đồ trên đường dài. May mắn thời tiết những ngày này đẹp vô cùng, trời xanh, gió mát, tụi mình đạp xe băng qua những cánh đồng, hướng về những thành phố nhỏ, đi xuyên khu rừng xanh mát rượi, cảm nhận sự thanh bình của miền quê nước Pháp.

Vào tuần thứ hai tụi mình đến vùng Auvergne, miền Trung nước Pháp và phía tây Rhone-Alpes. Auvergne tràn ngập màu xanh cây cỏ và những con đường đèo quanh co bình yên. Trên cung đường này, tụi mình khá vất vả khi phải vượt hết ngọn đồi này rồi lại nối tiếp ngọn đồi khác. Nhưng bù lại, vẻ đẹp của những ngọn núi ở Massif Central và đặc biệt là núi lửa “Puy de Domes” thì không gì sánh bằng.

Những cơn mưa dai dẳng nối tiếp nhưng không quá khắc nghiệt. Đến chiều hôm sau, cơn mưa vật vã nhất nhấn tụi mình trong giá lạnh, đôi giày thấm nước trở nên nặng nề. Bộ quần áo, găng tay và giày đi mưa hiện tại không đủ để chống chọi và tụi mình cần phải chuẩn bị đồ đi mưa phù hợp hơn cho những ngày thời tiết xấu.

Hai đứa dừng chân tại thành phố Roanne (Rhones-Alpes) và dành thời gian đến gặp gỡ các em Việt Nam đến từ Kontum. Các bạn trẻ này hiện đang ở Pháp tham gia khoá học nghề 1 năm dưới hỗ trợ của tổ chức “Poussières de Vie”.

Tụi mình sẽ sớm lên đường đến Thụy Sỹ, hy vọng là những ngày nắng đẹp và ấm áp sẽ quay trở lại.

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 5.

Vậy là, cặp vợ chồng trẻ đã bắt đầu hành trình yêu thương của mình vào ngày 16/4/2019.

Những đất nước Thibault và Khánh Nguyên cùng đạp xe đi qua, nơi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà họ đã hoặc chưa từng được tận mắt chiêm ngưỡng.

Đã có ngày, buổi sáng tụi mình thức dậy trên đất Pháp, buổi chiều lại được ngồi nhâm nhi ly sôcôla nóng bên bờ hồ tại Thụy Sĩ. Con đường “rải” nhiều đồi núi, tụi mình đã phải nỗ lực vượt qua các con đèo nối tiếp nhau.

Đêm trước khi đến Thụy Sĩ, nhờ diễn đàn của cộng đồng đạp xe trên thế giới, tụi mình may mắn được gặp và nghỉ tại nhà của vợ chồng hai bác Regine và Michel. Hai bác đã dành nhiều năm đạp xe qua nhiều nơi trên thế giới, đáng kể nhất là từng đạp xe vòng quanh Nam Mỹ. Tụi mình thật sự rất cảm kích và vui sướng khi vừa có nơi nghỉ ngơi ấm cúng sau một ngày dài đạp xe, vừa được trò chuyện và chia sẻ với những người có chung đam mê.

Sau bữa sáng, trời còn tờ mờ, thật khoan khoái khi đạp xe giữa tiết trời lành lạnh, xa xa mặt trời dần dần ló rạng sau những ngọn núi. Sau khoảng 3 giờ, tụi mình đến biên giới Thụy Sĩ. Tại cửa khẩu không có nhân viên hải quan kiểm soát nhập cảnh, cảm giác cứ hiên ngang đạp xe băng qua biên giới mà không bị kiểm tra hộ chiếu thiệt là đã!

Tụi mình quyết định nghỉ lại vài ngày tại thành phố Geneva yên bình, tranh thủ mang Monster và Tank (biệt danh của hai chiếc xe đạp) đi kiểm tra định kỳ. Không thể ngờ rằng, có một ngày, xe đạp của tụi mình được một cựu tay đua giải “Tour de France” kiểm tra giúp. Anh Fred đã rất nhiệt tình và miễn phí toàn bộ chi phí.

Một sáng chủ nhật thức dậy ở vùng gần Lausanne (Thụy Sĩ), hai đứa thật không tin vào mắt mình khi ngoài trời tất cả đều được bao phủ bởi màu trắng của tuyết. Đó là lần đầu tiên Nguyên được nhìn thấy những bông tuyết trong đời.

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 7.
Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 8.

Ở Thuỵ Sỹ, đó là lần đầu tiên Nguyên được nhìn thấy những bông tuyết trong đời.

Sau khi vượt đèo “Col de Pierre-Pertuis” ở Thuỵ Sĩ, “Nón Lá Project” chính thức hoàn thành 1.000km đầu tiên. Tụi mình hào hứng đến Đức – đất nước thứ ba trong hành trình và hướng về phía Đông con đường dẫn đến Việt Nam.

Có nhiều con đường qua biên giới Đức, tụi mình đi theo sự chỉ dẫn GPS dành cho xe đạp như thường lệ. Con đường chỉ tới một toà lâu đài cổ Fleckenstein, nơi có thể nhìn thấy toàn cảnh khu rừng rộng lớn từ trên cao.

Trong lúc đang theo lối mòn đi xuyên rừng, anh Thibault đột nhiên dừng lại, nhìn vào GPS rồi nói với mình: “Em ơi, anh nghĩ là mình đang ở Đức rồi đó!!”

“Whaaaaaat??!”

Vậy là từ Pháp, tụi mình đạp xe theo lối mòn xuyên qua rừng là tới Đức, tới hồi nào cũng không hay biết, còn đơn giản hơn lúc “vượt biên” Thuỵ Sĩ.

Tuần đầu tiên ở Đức, hầu như cả ngày tụi mình phải đạp xe trên đường trong nhiệt độ thấp, trời lạnh tê tái, đôi lúc còn đi kèm những cơn mưa. Nhưng tấm lòng ấm áp từ những người bạn, những người “trước lạ sau quen” gặp trên đường đã thổi hơi ấm vào những ngày lạnh giá này, tiếp sức mạnh mẽ cho hai đứa.

Bác Roman là một người rất đặc biệt mà tụi quen trên diễn đàn đạp xe quốc tế. Trước cổng nhà bác để một tấm bảng “Bikers on tour! Welcome. Free Water”. Không chỉ có nước uống miễn phí, bác còn cho tụi mình chỗ nghỉ và ăn tối. Bác nấu ăn rất ngon và tiếp đãi tụi mình như những đứa con trong gia đình.

Tuần sau đó thời tiết dễ chịu hơn nhiều, thật sung sướng khi có những ngày đạp xe trong nắng ấm, được nhìn ngắm trọn vẹn vẻ đẹp xanh ngát của những cánh đồng, được đạp xe băng qua những khu rừng nhỏ theo chân dãy núi Alpes.

Sớm thôi, tụi mình sẽ được đặt chân lên nước Áo và cũng là thời điểm đánh dấu cột mốc 2000km của “Dự Án Nón Lá”!

Những cột mốc đáng nhớ trên hành trình của cặp đôi. 

14 quốc gia – 10,000km – 2/3 chặng đường

Hallo nước Áo – một quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Đức trong văn hóa và ngôn ngữ.  Bằng đôi chân nhỏ bé gầy gò này, vậy mà chúng mình đã đi được 2.000km và “vượt biên” thành công từ Đức sang Áo. Đôi lúc cũng không nhận ra, chỉ đến khi nhìn vào bản đồ mới thấy, chúng mình giờ đã ở một nơi rất xa nhà của Thibault. Việt Nam vẫn còn là một giấc mộng dài, nhưng chẳng sao cả, trước hết hãy cùng chúng mình khám phá vẻ đẹp thơ mộng của nước Áo nhé!

Vừa qua đến Áo, chúng mình được “thưởng thức” ngay mấy đường đèo núi dốc 20% khó nhằn. Từ lúc đặt chân lên bàn đạp, chúng mình leo một mạch tới đỉnh núi, không dám thả chân xuống nghỉ. Những lúc như vậy, Nguyên thường tịnh tâm thở đều để leo không mất sức, kiên nhẫn bền bỉ rồi từ từ cũng tới.

Sau đó, là khoảnh khắc chúng mình mong chờ nhất, giây phút được đổ đèo. Hai đứa tập trung kiểm soát tốc độ vừa phải, đủ để lướt gió mát mà vẫn chú ý an toàn.

Có nhiều con đường bằng phẳng dễ đi như đường ven sông, tụi mình thường nói đùa với nhau đó là những con đường “cao tốc” dành cho xe đạp, đạp hơn trăm cây một ngày vẫn thấy khoẻ. Nhưng chúng mình đã không chọn những con đường dễ dàng nhưng có phần nhàm chán đó mà quyết định chinh phục những cung đường đèo núi. Mình tin rằng đó là lựa chọn đúng đắn để có được nhiều cơ hội khám phá cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp hơn và còn được gặp gỡ nhiều người bạn mới trên đường.

Khi tìm được nơi thích hợp để dừng chân giữa thiên nhiên hoang dã, đầu tiên tụi mình sẽ sắp xếp các túi hành lý ra khỏi xe đạp, sau đó cùng nhau dựng lều. Thường thì Nguyên cắt gọt chuẩn bị cho bữa ăn, trong khi Thibault sửa soạn bếp lò, nệm gối và túi ngủ.

Nhiều bạn hỏi đi đạp xe mỗi ngày như vậy thì ăn uống như thế nào?

Đồ ăn thức uống ở mỗi vùng mỗi quốc gia có nhiều khác biệt, tụi mình hầu như là không nấu bữa trưa mà cứ tìm thấy gì trên đường thì ăn nấy. Ở châu Âu rất dễ dàng tìm thấy một băng ghế công cộng hay một chiếc bàn gỗ ngoài trời. Đạp xe đến trưa thấy đói thì cứ thế mà ngồi vào bàn soạn đồ ăn ra rồi cùng nhau thưởng thức bữa trưa.

Sau một thời gian dần thích nghi với hành trình đạp xe đường dài, giờ đây mình đã biết cảm nhận và hiểu được cơ thể nhiều hơn, luôn cần ăn uống đầy đủ và đúng thời điểm để bản thân không bị rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng, bị đói hay thiếu nước.

Những bữa ăn nhẹ nhàng nhưng đủ chất, trải nghiệm cắm trại ngủ qua đêm giữa rừng núi thiên nhiên tuyệt đẹp.  

20/6/2019

Đây là cột mốc 3.000km và lần “vượt biên” sang Slovakia. Chỉ vài tuần nữa thôi, tụi mình sẽ rời khỏi Châu Âu. Và đó là lúc hành trình đầy thử thách mới thực sự bắt đầu!

Chúng mình đã đạp xe qua những ngọn núi phía Bắc đi đến tận Hungary. Không biết ai đã mở lối những con đường mòn đẹp như tranh vẽ dành cho xe đạp ở Slovakia, nơi mà chỉ có riêng tụi mình thong dong qua khu rừng, cánh đồng làng mạc xinh đẹp và xung quanh lại thấy đâu đó bóng dáng động vật hoang dã.

Mỗi một nơi đi qua, tụi mình đều rất trân quý những lần gặp gỡ những người bạn mới, trò chuyện và lắng nghe câu chuyện của họ. Ở thành phố Zilina, tụi mình gặp vợ chồng Lucy và Michael, họ tiếp đãi tụi mình món ăn truyền thống mà ai đến Slovakia cũng phải thử một lần rồi kể mình nghe về đám cưới truyền thống đầy màu sắc của họ theo phong tục người Slovakia. Hay lần gặp gỡ Igor và Monika ở thị trấn Lipová, buổi chiều dẫn mình đi dạo một vòng quanh hồ ngắm mặt trời lặn.

Ngày đầu đến Hungary, chúng mình đã vượt qua 4.000 km trên hành trình và có một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt! Không có nhiều người Việt đạp xe đường dài trên thế giới, tụi mình rất vui khi được gặp chị Linh, một cô gái Việt rất ấn tượng và mạnh mẽ. Chị ấy đã cùng chồng là anh Peter đạp xe từ Hungary về đến quê nhà Thái Nguyên, Việt Nam vào năm 2016. Chuyến đi của họ là nguồn cảm hứng thực sự cho tụi mình, một niềm tin to lớn ngày đạp xe về đến nhà.

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 11.

Ngày thứ 90, chúng mình đặt chân đến Serbia, cảm nhận rõ rệt sự thân thiện, hiếu khách và tốt bụng của người dân.

Phong cảnh thiên nhiên nơi đây vô cùng tuyệt đẹp, đặc biệt là Iron Gates – “Cổng Sắt” ngăn cách biên giới giữa Serbia và Romania. Thủ đô Belgrade của Serbia cũng là một điểm đến yêu thích của tụi mình. Nơi đây có những góc phố quán xá dễ thương, những con đường thật yên tĩnh để 2 đứa có thể cùng nhau lang thang dưới những tán cây nhỏ, thong thả dạo quanh từng con phố.

Điều thứ ba nổi bật ở Serbia là những món ăn đặc sản. Những món kết hợp các loại rau (ớt bột paprika, cà chua, khoai tây,…) nấu cùng với các loại thịt (thịt gà, thịt lợn, cá,…) và không thể thiếu rượu rakija nổi tiếng ở địa phương, chừng 40 độ cồn, được ngâm từ quả mận plum hay quả lê.

Trước ngày đến thủ đô Sofia của Bulgaria, tụi mình đã vượt cung đường đèo Petrohan với độ cao 1.444m so với mặt nước biển và có một đêm cắm trại khó quên giữa thiên nhiên, ngay bên cạnh khu rừng và rất gần một dòng nước nguồn tự nhiên trực tiếp từ trong núi chảy ra. Nhiệt độ xuống thấp về đêm, sáng hôm sau mình ngỡ ngàng khi phát hiện một điều kì diệu: cánh đồng cỏ quanh lều đều đã đóng băng. Nhìn “ngôi nhà nhỏ” của tụi mình như đang lênh đênh giữa đại dương mênh mông.

Trên hành trình diệu kỳ này, những con người xa lạ đều trở nên gần gũi, và trở thành một phần không thể thiếu trong câu chuyện thanh xuân của Thibault và Khánh Nguyên. 

5/8/2019

5.000 cây số đi qua là những khám phá mới mẻ, là những ngày vui, đôi khi có những ngày vô cùng mệt mỏi nhưng luôn kết thúc tích cực và khiến chúng mình mạnh mẽ hơn. Ba tháng trước ai mà tin được tụi mình có thể đi xa đến thế, ngay cả tụi mình cũng không tin được.

Nhưng 5.000km rốt cuộc cũng chỉ là một con số. Điều thực sự quan trọng là được gặp gỡ và được truyền cảm hứng từ rất nhiều người bạn mới trên mọi nẻo đường, những người đã mở rộng trái tim và đôi khi là cửa nhà của họ chào đón chúng mình.

Tụi mình sẽ đón tàu từ Burgas (Bulgaria) đến Batumi (Georgia). Sẽ mất khoảng 3 ngày để vượt Biển Đen.

Ngày ra bến cảng, tụi mình cực kỳ háo hức và thật ngỡ ngàng trước những chiếc xe tải lớn đang chuẩn bị lên tàu, đi bên cạnh xe họ, mình thật nhỏ bé. Tàu lớn và hiện đại hơn tưởng tượng, từ phòng ngủ, nhà ăn, boong tàu đều làm chúng mình cảm thấy thoải mái.

Tụi mình đứng trên boong tàu vừa ngắm chiều hoàng hôn, vừa nhìn các bác tài bận rộn xếp những chiếc xe tải to lớn vào hàng. Sáng đầu tiên thức giấc, nhìn qua cửa sổ, thì tụi mình đã lênh đênh trên biển, chẳng biết tàu đã khởi hành khi nào.

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 13.

Hai ngày đầu thời tiết thật đẹp, tụi mình thích ra boong tàu ngồi ngắm trời xanh, biển rộng mênh mông, vui nhất là được nhìn thấy đàn cá heo, chúng xuất hiện lúc gần lúc xa và biến mất nhanh chóng. Mình mong chờ nhất là cảnh chiều hoàng hôn, cùng nhau lặng lẽ nhìn ngắm ánh mặt trời chiếu xuống mặt nước biển, lắng nghe tiếng gió tiếng sóng vỗ về êm ả của biển. Đó là giây phút thời gian dừng lại để mình chậm rãi cảm nhận hơi thở của cuộc sống!

Đến sáng ngày thứ ba, trời âm u nhiều mây, cũng là lúc tàu chuẩn bị cập bến. Từ xa tụi mình đã thấy bóng dáng của bến cảng Batumi của đất nước Georgia. Mình khá hồi hộp và rất ấn tượng những ngọn núi trập trùng, thấp thoáng có những ngôi nhà trên triền núi.

Tàu cập bến, cảm giác thật khó tả khi cuối cùng cũng đặt chân lên đất đước Georgia. Đứng trên cầu từ xa nhìn về con tàu to lớn, tụi mình cảm ơn những ngày tràn đầy tiếng cười trên con tàu ấy. Tụi mình vẫn thật nhỏ bé, nhưng lại vô cùng mạnh mẽ!

Với vẻ đẹp bí ẩn mang theo những câu chuyện thần thoại, Georgia là một trong những đất nước nhất định phải đến một lần trong đời. Đã không biết bao nhiêu lần tụi mình bị choáng ngợp trước vẻ đẹp núi non trùng điệp nhưng vô cùng hoang sơ mộc mạc của Georgia, và tụi mình không biết đã yêu con người nơi đây từ khi nào.

Các bác tài mỗi lần đi ngang qua đều vẫy tay chào rồi bấm còi cổ vũ tinh thần tụi mình cực kỳ nhiệt tình, thậm chí họ còn chồm người ra xe với vẻ mặt hớn hở chỉ để… vẫy tay chào tụi mình. Chốc chốc, lại vang lên tiếng gào to “Hello!!!” từ trong nhà dân, trong sân vườn của lũ trẻ.

Có lẽ, đây là đoạn đường tụi mình được “chào đón” dữ dội nhất trong chuyến đi, niềm vui không thể tả, điều này đã góp phần tạo động lực cho tụi mình vượt qua cung đường đèo khó nhằn này. Chưa bao giờ tụi mình lại thấy mạnh mẽ đến thế!

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 14.
Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 15.

Chuyến đi lớn nhất cuộc đời với người mình thương

6/9/2019

Cột mốc 6.000 cây số trên đất nước Azerbajian.

Trước khi đến Azerbaijan, tụi mình không biết nhiều về đất nước này – một quốc gia tuyệt vời với những con người luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi lúc mọi nơi và đặc biệt, họ rất yêu thích nón lá Việt Nam. Họ xin chụp hình, rồi mang hình ảnh “nón lá trên xe đạp” rải rác khắp từ miền Bắc xuống miền Nam Azerbajian.

Tụi mình quyết định đến thăm làng cổ Sheki, một điểm dừng quan trọng trên Con đường tơ lụa trước kia và cũng là một trong những ngôi làng xưa đẹp nhất Azerbajian.

Ngôi làng yên bình và thanh tĩnh như ẩn mình trước thế giới hào nhoáng hiện đại, không khí lắng đọng và cổ kính thích hợp cho những tâm hồn nhẹ nhàng ưa nhịp sống chậm, cho những ai muốn rời xa chốn đông đúc nhộn nhịp.

“Yukhari Karvansaray” – điểm đến tiếp theo – là một lữ quán Caravanserai ven đường, nơi dừng chân trước kia của các thương nhân mỗi khi đi qua Con đường tơ lụa. Ngồi lại nơi đây, dù không gian tĩnh mịch nhưng tụi mình lại cảm nhận được không khí tấp nập người đến người đi trong thời kỳ huy hoàng của Con đường tơ lụa huyền thoại, thương nhân mang theo hàng hoá của họ, dừng chân, trao đổi buôn bán nhộn nhịp, rồi lại rời đi…

Từ Azerbaijan, tụi mình đến Iran qua cửa khẩu ở thành phố Astara nằm dọc theo bờ biển Caspian. Khi lên kế hoạch cho chuyến đi này, Iran trong suy nghĩ của hai đứa lúc đó là một nơi rất xa. Vậy mà sau gần 5 tháng, cuối cùng tụi mình cũng đến được đất nước thứ 12 của hành trình.

Mỗi nơi đi qua, tụi mình thường hay hỏi người Iran: “Nơi nào ở Iran mà bạn yêu thích nhất?”, và câu trả lời nhận được nhiều nhất là… Shiraz và Isfahan! Hơi thở hiện đại, thoải mái và bầu không khí tràn đầy sức sống. Tụi mình luôn cảm thấy thư giãn và có thể thoải mái nắm tay nhau bước đi trên phố.

Những ngày đi qua Iran, mình nhận ra người dân Iran rất tốt bụng. Họ sẽ tiếp đãi khách bằng cả tấm lòng chân thật, cho bạn những thứ tốt nhất mà họ có, cho dù bản thân họ không có gì nhiều.

23/10 – kỷ niệm một nửa hành trình đạp xe hơn 8.000km trong chuyến phiêu lưu, hai đứa không làm gì cầu kỳ, cùng nhau ăn mừng bằng một cái ôm thật chặt, cùng Monster và Tank. Mong chờ một ngày không xa có thể được ôm gia đình, bạn bè và tất cả các em nhỏ trong “Poussières de Vie”. Ngày ấy bắt đầu gần hơn bao giờ hết.

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 16.

Tụi mình thay đổi lộ trình. Lần này hai đứa đã đón một chuyến bay thẳng từ Shiraz ở Iran đến Delhi ở Ấn Độ thay vì đi đường vòng như kế hoạch cũ, rồi dự định sẽ đạp xe qua Nepal, đất nước với những cuộc chinh phục núi non trập trùng đầy thử thách.

Bay từ Iran sang Ấn Độ chỉ mất 24 giờ (có thể sẽ mất cả hơn một tháng nếu chỉ đi bằng xe đạp) là điều làm tụi mình chưa kịp thích ứng. Trong 6 tháng qua đã quen với việc đạp xe chậm rãi từ nước này qua biên giới nước khác, lần bay này làm mình liên tưởng máy bay như một cỗ máy “dịch chuyển tức thời” sang không gian khác. Ngày vừa đến Ấn Độ, có vài lần mình lấy tay chạm lên đỉnh đầu để chỉnh khăn trùm đầu như một thói quen, điều mà mình thường làm khi ở Iran.

Ấn Độ với giao thông hỗn loạn chắc chắn không phải là thiên đường cho dân đạp xe đường trường. Nghe những trải nghiệm mà dân du lịch từng đến Ấn Độ chia sẻ, tụi mình đã chuẩn bị tinh thần là đạp xe qua đất nước này có thể sẽ đối mặt với rất nhiều thử thách.

Nhưng ở đâu đó vẫn luôn có những tấm lòng, ở Ấn Độ cũng vậy, tụi mình đã gặp những người dân hiền lành, tử tế, những lần mời trà, mời cơm thân thiện trên đường. Còn có niềm vui nho nhỏ khi được nhìn thấy cánh đồng lúa vàng sau những tháng ngày đi qua mảnh đất khô cằn xứ Ba Tư.

Từ Ấn Độ, tụi mình đạp xe qua một cây cầu sắt dài và hẹp để qua biên giới Nepal, đất nước thứ 14 của hành trình, chinh phục 9.000km – 2/3 chặng đường từ “nhà anh” về “nhà nàng”.

Giờ đây, chúng mình còn nửa năm nữa với 7.000 km còn lại để về đến Việt Nam.

Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 18.
Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 19.
Chồng Pháp vợ Việt cùng đạp xe từ nhà anh tới nhà em 16.000 km và hành trình yêu thương mang tên Nón lá - Ảnh 20.

HY vọng rằng, hành trình yêu thương của Thibault và Khánh Nguyên có thể truyền cảm hứng tới tất cả chúng ta!

Nguyên từng nói, cuối cùng cô cũng thực hiện được chuyến đi lớn nhất cuộc đời với người cô thương. Tuần trăng mật, bạn có thể lựa chọn một kỳ nghỉ thật thư giãn, nhưng để đạp xe xuyên lục địa, đó là một sự đánh đổi không hề nhỏ. Cả Thibault và Nguyên đều còn trẻ, tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng cho những trải nghiệm. Đặc biệt hơn, họ muốn dành cho những trẻ em không may mắn cơ hội được có một tương lai tốt đẹp.

Là vợ chồng, Thibault và Nguyên chẳng giấu diếm nhau điều gì, yêu nói yêu, thương nói thương. Sau chuyến đi này, cả hai dự định sẽ ở lại Việt Nam tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp. Cặp đôi hi vọng hành trình yêu thương này sẽ truyền cảm hứng tới nhiều người.

Nguồn: kenh14.vn

Xem sản phẩm
Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0