Trước những năm 1960, xe đạp tại Việt Nam là cả một niềm mơ ước. Những chiếc xe Peugeot, Phượng Hoàng… đều mang nhãn hiệu nước ngoài, là thứ mà chỉ có những gia đình khá giả mới có được. Lúc bấy giờ nông thôn hay thành phố, những nhà nào có tiền là có được các loại xe đó. Có thời kỳ, một chiếc xe đạp Peugeot là có thể mua được một căn nhà.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế mà Đảng và Nhà nước đi đến quyết định phải thành lập một nhà máy sản xuất xe đạp. Năm 1960, chiếc xe đạp đầu tiên do người Việt chế tạo với thương hiệu Thống Nhất ra đời, chuyên chở biết bao khát vọng của cả dân tộc. Thời điểm đó, ở các công nông trường, các hầm mỏ, nhà máy… ai biết nghề cơ khí sản xuất xe đạp đều được mời về để phát triển thương hiệu xe đạp Thống Nhất.
Nguyện vọng to lớn nhất của người dân lúc bấy giờ từ Nam tới Bắc hầu hết ai cũng muốn đất nước được độc lập, tự do. Tuy nhiên muốn độc lập, tự do thì phải thống nhất được đất nước. Từ đó nhãn hiệu của Thống Nhất gắn chú chim hòa bình ở ngay vĩ tuyến 17 để cả dân tộc Việt Nam luôn luôn hướng về mục tiêu hòa bình đất nước. Khắp các cơ sở sản xuất dù phải làm việc trong nhà tạm, chia lẻ công đoạn rải khắp nơi nhưng ai ai cũng quyết chí đồng lòng vì miền Nam ruột thịt,.
“Thực ra trong những năm bao cấp, chưa bao giờ xe đạp Thống Nhất cung cấp đủ, luôn luôn nó là sản phẩm quý hiếm mà Nhà nước phải sử dụng nó để phân phối. Sau 9 năm tôi mới được mua một cái sản phẩm của chính tay mình làm ra chứ cũng không phải là dễ dàng. Nói như thế để thấy rằng cái xe lúc bấy giờ nó quý lắm. Đương nhiên nó chỉ là 300 đồng nhưng 300 đồng lúc đấy là bảy tháng lương. Chính vì nó quý như thế cho nên Nhà nước mới đặt vấn đề quản lý bằng biện pháp phải đăng ký, xe đạp phải có số, phải có đăng ký.” Ông Nguyễn Văn Hương – Công nhân Phân xưởng Lắp ráp Xe đạp Thống Nhất năm 1960 chia sẻ.
Năm 1972, khi chiến tranh chống Mỹ lên đến đỉnh điểm, từng dòng xe nối tiếp nhau rời khỏi trung tâm thành phố để tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang chiến đấu. “Có một thời kỳ dài, sản xuất theo yêu cầu của chiến trường, tức là làm rất nhiều xe. Xe gia cố, bình thường chỉ một gióng, tăng thêm một gióng để tăng sức chịu đựng… Sản xuất hàng nghìn, hàng nghìn những cái xe như thế để đưa ra mặt trận.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: “Người Việt có một cái khả năng sáng tạo rất kỳ lạ, nên đưa vào lịch sử xe đạp thế giới. Bởi vì lịch sử xe đạp thế giới không có cái chuyện lấy xác máy bay B52, lấy xác bom bi hay là pháo sáng để mà đúc lại thành cái vành xe đạp, lắp vào thành xe Thống Nhất. Thành ra là cái xe Thống Nhất tên là Thống Nhất nhưng vành lại là được chế tạo bằng các cái phế liệu chiến tranh.”
Xe đạp sống trong đời sống người dân Việt, trở thành nhân chứng lịch sử, đi qua những thăng trầm của dân tộc. “Ấn tượng xe đạp Thống Nhất không phải ở tại trong lòng người công nhân làm xe đạp mà lan tỏa đi ở nhiều nơi, ở tất cả mọi phương trời của đất nước này!”
Xin mời bạn đọc theo dõi chương trình “Nhật ký người Việt” phát sóng trên kênh VTV1 TẠI ĐÂY!