Đạp xe không chỉ rèn luyện thể thao mà còn thể hiện phong cách của giới trẻ. Vì vậy, theo đuổi môn thể thao này không chỉ để khỏe mạnh, mà còn là cơ hội khoe vẻ đẹp của mình. Đạp xe vì vậy đã trở thành mốt chơi mới của người trẻ “Sài thành”.
Trong guồng quay nhanh của nhịp sống hiện đại, nếu bỗng dưng bạn bất chợt nhìn thấy hình ảnh những cô gái mặc váy lụa trẻ trung, mang giày cao gót kiểu cách đang thong dong trên phố với chiếc xe đạp; hay những chàng trai mặc áo sơ mi đóng thùng trong chiếc quần jean rách gối cùng đôi giày bata đầy họa tiết, thậm chí là những đôi giày da láng cóng đang đạp xe đạp thể trao trên đường phố… đừng ngạc nhiên, đó mốt mới của giới trẻ thành đạt hiện nay.
Đạp để khỏe và đẹp
Chị Phạm Hà Thủy, Chủ tịch CLB nữ lãnh đạo WLIN Élite, cho biết, cuối tuần nào chị và hai “bạn” nhỏ nhà chị cũng đạp xe dạo vài vòng trung tâm quận 1 (TP Hồ Chí Minh), hay thỉnh thoảng chị vẫn đạp xe đi làm. Đây là cách chị vừa tập thể dục buổi sáng trước khi vào công việc ngày mới, vừa “thưởng thức” không khí trong lành của buổi sớm tinh mơ, đón ánh mặt trời và vừa có thể “sống chậm”, ngắm dòng người qua lại trong nhịp sống đô thị hối hả.
Còn chị Hữu Duyên cho hay: “Sáng nào cũng phải đưa con đi học sớm nên tôi đến cơ quan lúc nào cũng trước 7 giờ, vì thế tôi tranh thủ đạp xe quanh công viên Tao Đàn hoặc phố đi bộ Nguyễn Huệ rồi mới về làm việc”.
Theo chị Hữu Duyên, đạp xe không nhất thiết phải mặc đồ thể thao mà có thể mặc đồ công sở, mặc váy, mặc đồ đi chơi và ăn diện đẹp. Điều này không chỉ tạo nên sự tự tin cho bản thân mà còn có thể lan tỏa cho những người xung quanh năng lượng tích cực trong cuộc sống. Chính vì vậy, đạp xe không chỉ khỏe mà còn đẹp đang trở thành xu hướng mới của người trẻ Sài thành.
Thực tế, phong trào chơi xe đạp đã có từ lâu ở TP Hồ Chí Minh nhưng số lượng đông đảo không như bây giờ. Hiện có rất nhiều nhóm xe đạp phong trào, nhưng có 3 nhóm “chơi” xôm tụ nhất và quy củ nhất là nhóm Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhóm Sân bay (Phú Nhuận) và nhóm Xa lộ Hà Nội (quận 2). Các nhóm này tập hợp đủ mọi thành phần từ công nhân, trí thức, cựu vận động viên đến doanh nhân. Họ thường tập trung chạy xe vào sáng sớm, lúc tờ mờ sáng và sau đó trở về nhà để kịp giờ đi làm. Dịp cuối tuần, các nhóm thường đạp xe xuống Vũng Tàu, ở lại một ngày và sáng hôm sau quay trở lại TP Hồ Chí Minh.
Với phong trào đi xe đạp ngày càng tăng, những điểm chuyên bán xe đạp trước đây “ế mốc meo” bỗng chốc “hút” hàng, thậm chí không kịp có hàng để đáp ứng nhu cầu của khách. Nhân viên một đại lý xe đạp Martin trên đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhu cầu mua xe đạp của người dân 2 năm trở lại đây tăng rõ rệt. Đặc biệt, từ khi có dịch COVID-19, nhu cầu mua xe đạp càng tăng cao. Từ xe đạp chuyên nghiệp đến xe không chuyên, từ xe nam đến xe nữ, giá trung bình từ 2 triệu đồng/chiếc đến vài chục triệu đồng/chiếc đều được nhiều người hỏi mua. Đáng chú ý, xe đạp nữ có thiết kế kiểu dáng trẻ trung, màu sắc mới lạ hút hàng nhất.
Đạp để bảo vệ môi trường
Nhân viên giữ xe tại một cửa hàng thời trang trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Ngày nào tôi cũng tiếp xúc nhiều người đi xe máy và ô tô, nhưng khi thấy vài nhóm người đi xe đạp đến cửa hàng, tôi cảm thấy rất vui và thú vị. Bởi lúc đó tôi thấy không khí thành phố bỗng dưng trong lành hơn, cuộc sống trở nên thong dong hơn và công việc trở nên nhẹ nhàng hơn”.
Anh Raymond Kuschert (45 tuổi, quốc tịch Úc), hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam được 5 năm, đồng thời cũng là một trong những người đam mê đạp xe của nhóm Xa lộ Hà Nội, cho hay: “Phong trào đạp xe đạp của nhóm tôi xuất phát ban đầu chỉ là tinh thần thể thao thuần túy. Dần dần, chúng tôi nhận thấy, đạp xe đạp còn tốt cho môi trường, đặc biệt là với không khí ô nhiễm hiện nay tại các thành phố lớn. Vì thế, chúng tôi đạp xe với mong muốn loan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường và rủ được càng nhiều người đạp xe chung càng tốt”.
Tuy nhiên, anh Raymond Kuschert vẫn lo ngại khi đạp xe trong thành phố. Đó là việc có rất nhiều xe máy và xe ô tô di chuyển trên đường đan xen nhau, trong khi Việt Nam chưa có đường dành riêng cho người đi xe đạp như các nước khác trên thế giới nên đôi khi đạp xe rất nguy hiểm. “Tôi ước rằng 50% các chuyến đi hàng ngày ở TP Hồ Chí Minh có thể được thực hiện bằng xe đạp trước cuối thập kỷ này để có thể cải thiện môi trường sống tốt hơn. Làm được điều đó, Việt Nam sẽ phải “quay ngược lại tương lai” và coi xe đạp như một phương tiện giao thông chính của người lớn và thế hệ sau”, Raymond nói.
Xuất phát từ ý tưởng bảo vệ môi trường, cùng với sắp tới đây TP Hồ Chí Minh sẽ có các tuyến metro đi vào hoạt động, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã đồng ý cho Tập đoàn Trí Nam triển khai thí điểm dự án cho thuê xe đạp công cộng trên hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu. Trước mắt, việc cho thuê xe đạp để giảm ô nhiễm môi trường, mặt khác cũng để giảm ùn tắc giao thông ở hai tuyến đường này.
Theo đó, xe đạp công cộng được gắn hệ thống khóa thông minh và đảm bảo an toàn như khóa hỗ trợ tính năng GPS, hỗ trợ đóng mở khóa xe qua kết nối 2G/3G/4G/Bluetooth. Phương thức đóng mở khóa bằng cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để quét mã QR-Code được in trên khóa, hệ thống khóa sử dụng năng lượng mặt trời được gắn trên xe.
Để sử dụng dịch vụ này, người dân sẽ tải miễn phí và cài ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh và có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm có xe gần nhất. Người dùng xe có thể thanh toán qua các kênh như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, nộp tiền trực tiếp. Giá vé dự kiến là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Thời gian đầu sẽ miễn phí trong 15 phút sử dụng đầu tiên để khuyến khích người dùng.
Nguồn: baotintuc.vn