Xe đạp Thống Nhất: Hành trình tìm lại thời hoàng kim

Nếu ngày nay xã hội lấy thước đo của sự giàu có là những siêu xe đắt tiền, thì những năm 80-90 của thế kỷ trước, chiếc xe đạp Thống Nhất lại là ước mơ của mọi gia đình.

Đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, từng được coi là biểu tượng của sự khá giả một thời, chiếc xe đạp Thống Nhất cho đến nay vẫn là ký ức khó phai trong lòng những ai đã trải qua thời bao cấp khó khăn.

1

Xe đạp Thống Nhất gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8X – 9X. Ảnh: Thống Nhất

Một thủa hoàng kim

Xe đạp Thống Nhất xuất hiện trong ký ức của những đứa trẻ 8x,9x là một sản phẩm chất lượng, không thua kém gì những chiếc xe sang Mercedes hay Audi thời nay. Một chiếc xe đạp Thống nhất có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ, một số tiền quá lớn đối với mức thu nhập của nhiều gia đình người Việt những năm tháng đó.

Công ty sản xuất chiếc xe đạp đó là Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là nhà máy xe đạp Thống Nhất, được thành lập vào ngày 30/6/1960. Năm 1965, nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước được mua một chiếc 1 lần duy nhất. Ai được phân phối sẽ có kèm theo một sổ mua phụ tùng.

Xe đạp Thống Nhất ra đời từ trong chiến tranh chống Mỹ nên nó đi vào cả chiến trường với biệt danh “con ngựa sắt”, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến. Chiếc xe được đặt tên là Thống Nhất nhằm gửi gắm mong ước về một ngày đất nước hòa bình, độc lập.

Với thời kỳ trước đó, chẳng khó gì để hãng này lấy được cảm tình từ khách hàng. Bản thân hãng chiếm vị trí “độc quyền” trên thị trường, khi là một thương hiệu Việt với sản phẩm được chú trọng đến từng chi tiết, vì thế chất lượng của hãng không thua kém gì những chiếc xe nhập khẩu từ Châu Âu hay Nhật Bản.

Tuy nhiên, số lượng sản xuất xe đạp Thống Nhất rất hạn chế, nên người được phân phối xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, xe đạp Thống Nhất càng trở nên quý hiếm, xa xỉ.

Một chiếc xe có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ, một số tiền lớn đối với mức thu nhập của nhiều gia đình Việt Nam thời bao cấp. Vì thế, xe Thống Nhất được coi như biểu tượng của sự khá giả, thành đạt đối với người dân Việt Nam cho đến tận giữa thập niên 90.

Đánh vào chất lượng, cũng như định vị mình là dòng xe cao cấp, chính là phương thức truyền thông lúc bấy giờ của xe đạp Thống Nhất. Chính cách làm này đã khiến cho hãng có một thời kỳ vẻ vang về doanh thu cũng như danh tiếng.

Nỗ lực tìm chỗ đứng trên thị trường 

Xã hội phát triển, mở cửa kinh tế khiến xe máy và các dòng xe ngoại nhập dần trở thành phương tiện đi lại phổ biến hơn, xe đạp Thống Nhất dần mất vị thế độc tôn trên thị trường. Việc mở cửa kinh tế cũng như sự thay đổi khi xe máy dần trở thành phương tiện phổ biến hơn, đã khiến xe đạp Thống Nhất không còn được coi trọng như trước nữa.

Từ giai đoạn 2004 – 2017, xe đạp Thống Nhất đã liên tục tái cơ cấu, trong đó có sáp nhập với một số công ty khác cũng như chuyển từ công ty Nhà nước sang cổ phần hoá. Tuy nhiên, với sự xâm chiếm của hàng loạt các thương hiệu xe đạp ngoại, thị phần xe đạp Thống Nhất đã dần bị thu hẹp.

Cuối những năm 2015, Xe đạp Thống Nhất bắt đầu lao dốc khi các thương hiệu xe đạp như: Giant, Merida, Wiel, Peugeot, Missile, Newway, Momemtum… bắt đầu có mặt tại thị trường Việt Nam. 

Ông Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thống Nhất nhớ lại, thời điểm đó, doanh thu của công ty sụt giảm mạnh, hệ thống đại lý chỉ xuất hiện tại đúng 5 tỉnh, thành với 33 điểm bán hàng, sản lượng vỏn vẹn hơn 16.000 xe/năm. Tâm lý người mua là trở ngại lớn với Thống Nhất. Phần lớn trong tâm thức người tiêu dùng, đại lý, nhà phân phối là thương hiệu xe đạp Thống Nhất đã… “chết”.

2

Sản xuất xe đạp Thống Nhất. Ảnh: TTXVN

Trước áp lực lớn từ sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu xe đạp ngoại nhập, Thông Nhất quyết định thay đổi và chuyển mình một cách toàn diện.

Ngày 27/02/2017, Xe đạp Thống Nhất chính thức cổ phần hóa, chuyển đổi toàn diện mô hình hoạt động từ sản xuất tới kinh doanh theo tiêu chuẩn hiện đại của Quốc Tế. Thương hiệu xe đạp Thống Nhất từng bước đưa tên tuổi của mình trở lại.

“Trẻ hóa” một thương hiệu “đã già”

Kể từ khi chuyển đổi mô hình sang cổ phần hoá, Thống Nhất đã có những bước thay đổi trong hoạt động bán hàng như tăng nhanh số lượng đại lý nhằm tăng độ phủ, cạnh tranh với các thương hiệu xe ngoại. Cụ thể sau khi nâng tổng số đại lý trên toàn quốc lên gần 400 cửa hàng năm 2020, Thống Nhất đã chuyển sang khai thác mảng khách hàng dự án.

Năm 2021, Thống Nhất đã bán hơn 40.000 xe đạp cho Vinamilk, chiếm 60% tổng doanh số bán hàng trong năm. Hay trước đó, Thống Nhất cũng đã bàn giao gần 2.000 xe đạp tuần tra cho Công an TP Hà Nội. Đây là những chiếc xe đạp chuyên dụng thuộc phân khúc xe địa hình của Thống Nhất.

3

Xe đạp Thống Nhất ngày nay. Ảnh: Thống Nhất

Ông Đinh Vũ Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội chia sẻ, chiến lược mới của Thống Nhất sau khi cổ phần hóa là tập trung khai thác ngay tại các điểm bán lẻ trên diện rộng, thay đổi chính sách bán hàng, truyền thông tại điểm bán và trên mạng, tài trợ, tiếp cận các kênh dự án (từ thiện, khu nghỉ dưỡng)…

Năm 2022, công ty đã mở rộng hệ thống phân phối tại thị trường miền Nam với việc hợp tác cùng các trung tâm thương mại AEON và Điện Máy Xanh. Trong năm này, Thống Nhất bán được hơn 100.000 xe đạp, doanh thu 142 tỷ đồng và 14 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 42% so với cùng kỳ. Đây cũng là doanh số bán xe cao nhất Thống Nhất đạt được kể từ thời điểm cổ phần hoá.

Năm 2023, ban lãnh đạo Thống Nhất đặt mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng, với doanh số 154.000 xe đạp bán ra, cho ra mắt 5 sản phẩm mới. Đồng thời thực hiện các chương trình quảng bá nhằm lan toả thương hiệu xe đạp Thống Nhất.

Gần đây nhất, hồi đầu tháng 7, Thống Nhất đã hợp tác với DC ra mắt phiên bản xe đạp giới hạn The Flash, lấy cảm hứng từ nhân vật siêu anh hùng trong bộ phim cùng tên.

Có thể thấy, sau cổ phần hóa, doanh thu và sản lượng của Thống Nhất tăng trưởng đều đặn trên 40% mỗi năm. Từ năm 2017 tới nay, công ty nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các quốc gia khác nhau ở mọi châu lục như: Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Malaysia, Singapore…Tuy nhiên, chiến lược của công ty vẫn là tập trung phát triển vững chắc thị trường nội địa. 

Hiện, mục tiêu chính của Thống Nhất là phát triển thêm những mẫu mã với yếu tố an toàn, thân thiện với người sử dụng và môi trường.

Bằng sự nỗ lực đổi mới không ngừng thích ứng với nhu cầu của Thị trường và sự cạnh tranh từ các thương hiệu khác. Xe đạp Thống Nhất từng bước trở lại và tiếp tục trở thành thương hiệu xe đạp quốc dân trong lòng người Việt./.

Nguồn: Bnews.vn

Xem sản phẩm
Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0