Xe đạp & Câu chuyện của tôi

26 tuổi, Nguyễn Tuấn Dũng là họa sĩ trẻ nhất từ trước đến nay có triển lãm cá nhân tại Gallery Craig Thomas (Q.1, TP.HCM). 15 tác phẩm của anh đều được thể hiện trên giấy dán vải – vốn là những tờ báo cũ…

Nguyễn Tuấn Dũng - Ảnh: My Lăng

Nguyễn Tuấn Dũng – Ảnh: My Lăng

Cuối năm, từ Hà Nội, chàng họa sĩ thế hệ 9X mang vào Sài Gòn một triển lãm khá thú vị mang tên Câu chuyện của tôi. Những hình ảnh giản dị, mộc mạc trong tranh khơi dậy những kỷ niệm ấu thơ, những ký ức về thời gian khó.

Đó là chiếc bơm xe đạp ở một góc tường cũ, một gói xôi, những củ khoai lang, một con cá, chiếc xe công nông cũ đã muốn han gỉ… Đặc biệt, hình ảnh những chiếc xe đạp xuất hiện trong triển lãm đến sáu lần.

“Tôi vẽ nhiều về xe đạp vì có những cảm xúc thật đặc biệt với nó. Tuổi thơ rồi những năm tháng lớn lên của tôi có nhiều kỷ niệm gắn với chiếc xe đạp. Như chiếc xe đạp Phượng Hoàng của bố mẹ tôi để lại.

Nó gắn với bố mẹ từ lúc mới quen nhau, rồi đó cũng là phương tiện để bố mẹ bươn chải, làm nhiều nghề phụ kiếm tiền nuôi mình lớn, nuôi mình trưởng thành, nuôi mình ăn học. Cũng chiếc xe ấy, bố chở củi xuống vùng biển bán, rồi mua muối chở lên vùng trên bán, lấy tiền mua gạo…

Tác phẩm trong triển lãm Câu chuyện của tôi – Ảnh: My Lăng

Khi tôi lớn lên, mẹ dùng chiếc xe đạp đó bán hoa quả, bán sắt vụn. Hình ảnh chiếc xe đạp đã ăn sâu vào tâm trí. Ngày bé tôi còi lắm. Lớp 4, lớp 5 bạn bè đã có thể đạp xe đi học. Tôi mãi đến lớp 6 vẫn chưa đi xe đạp được. Lên lớp 8 vẫn chưa lên được khung, phải lòn dưới gò lưng đạp…

Chiếc xe đạp không chỉ là ký ức, là câu chuyện của riêng tôi mà nghĩ rộng ra, nó là ký ức, câu chuyện của nhiều người. Xe đạp là phương tiện đi lại quen thuộc của nhiều người Việt Nam và đặc biệt là những người lao động nghèo. Nó là phương tiện chính giúp họ di chuyển, mưu sinh, bươn chải. Nó cũng như là người bạn của họ” Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ.

Thế nên trong tranh của Dũng không chỉ có chiếc xe đạp Phượng Hoàng đầy kỷ niệm, mà còn là hình ảnh của nhiều chiếc xe đạp khác anh đã gặp đâu đó hằng ngày. Những chiếc xe đều cũ, có chiếc bị han gỉ, có chiếc còn bị mất cả hai phanh… nhưng lại luôn toát lên sức sống.

Vì trên mỗi chiếc xe có những hình ảnh, vật dụng đặc trưng “làm bạn” như chiếc ghế trẻ con ràng phía sau xe, đèn ông sao, mũ cối, mẹt chuối, sọt cam, can nước, cái làn nhựa…

Mỗi chiếc xe là một thân phận con người bươn chải, lam lũ. Không có hình ảnh con người hiển hiện trong tranh nhưng người xem vẫn luôn thấy thấp thoáng ẩn hiện hình bóng con người đâu đó.

Có thể là một ông bố, bà mẹ sau một ngày mưu sinh về mua quà cho con với chiếc bóng bay, một đèn lồng ông sao; có thể là những người đạp xe bán dạo chiều về vẫn còn nải chuối, vài quả cam chưa bán hết…

Nguyễn Tuấn Dũng chọn cách thể hiện khá độc đáo: acrylic và giấy. Anh dán những tờ báo lên… vải rồi vẽ trên đó. Dũng cho biết đã thử nghiệm nhiều chất liệu nhưng thấy rất có cảm hứng với những tờ báo cũ, dù chất liệu này khó xử lý và khó sáng tác.

Dũng chịu khó lựa chọn những bài báo có tít thời sự, phù hợp với nội dung, thông điệp trong mỗi bức tranh. Anh lựa chọn giấy báo để thể hiện còn có một ý định khác. “10 năm, 20 năm sau những câu chuyện, thông tin trong trang báo ấy đã trở thành xưa cũ, là những câu chuyện của quá khứ trong xã hội đương đại. Và chỉ có trong tranh nó mới được lưu giữ lại bền bỉ theo thời gian” – Dũng giải thích.

Triển lãm Câu chuyện của tôi diễn ra từ ngày 8 đến 31-12.

Nguồn: tuoitre.vn

Xem sản phẩm
Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0