Một ngày nọ, giữa biển Đại Tây Dương, trong một cuộc đua du thuyền từ London tới Rio de Janeiro, Dhruv Boruah và nhóm bạn của mình gặp hai chú rùa đang mắc kẹt trong một bãi nhựa thải tại đây. Và mặc dù đã cứu thành công hai chú rùa, Boruah vẫn cho biết anh vẫn không hề cảm thấy nguôi ngoai khi nghĩ tới tình cảnh ô nhiễm nhựa trên biển đang diễn ra từng ngày.
Vì vậy, sau khi trở về London, anh đã chế tạo và lắp ráp một chiếc xe đạp làm từ tre, gắn hai chiếc phao sang mỗi bên, sau đó lắp thêm bánh lái và một thiết bị đẩy chạy bằng pê-đan để hoàn thành chiếc xe đạp nổi của mình.
Giờ đây, cùng với tấm lưới gắn sau xe, anh bắt đầu “đạp” quanh các sông hồ và kênh đào tại London, thu thập nhựa thải.
Ý tưởng của anh không phải là tự mình dọn dẹp đường nước của London – công việc này là quá sức cho một người ngay cả khi anh ta có một chiếc xe đạp nổi.
Thay vào đó, Boruah sử dụng chiếc xe đặc biệt này để bắt chuyện với những người tò mò nhìn theo.
“Chiếc xe là một chủ đề tuyệt vời để bắt đầu câu chuyện, và sau đó tôi sẽ giải thích cho mọi người về công việc mình đang làm, về nhựa thải, và tất cả những lý do khiến tôi đang làm việc này”, Boruah, 35 tuổi, tiết lộ cho CNN khi đang thăng bằng trên chiếc xe của mình trên Kênh Regent.
Boruah hi vọng rằng chiến dịch của mình – Chiến dịch Thames – sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của ô nhiễm nhựa thải, và động viên họ chung tay hành động vì môi trường.
Khi không “đạp xe”, Boruah liên lạc và làm việc với các tư vấn viên, các doanh nghiệp và cộng đồng để động viên họ giảm thiểu việc sử dụng nhựa không thể tái chế.
Từ doanh nhân trở thành người bảo vệ môi trường
Trước khi bắt đầu Chiến dịch Thames, Boruah từng làm Tư vấn Quản lý, dành 14 tiếng mỗi ngày làm việc trước màn hình máy tính. “Tuy nhiên sau đó tôi tự hỏi, ‘lần cuối cùng tôi có thời gian ngắm những ngôi sao là khi nào? Đôi mắt con người là để dành cho việc ngắm nhìn những ngôi sao hay dán vào màn hình máy tính”, anh bày tỏ.
Dhruv bắt đầu chiến dịch dọn dẹp sông Thames khoảng một năm trước, và giờ đây đã bắt đầu di chuyển tới những dòng sông khác trên khắp đất nước. Anh đạp xe khắp nước Anh cùng với balo dụng cụ của mình và dừng lại ở cạnh bờ sông. Sau khoảng 40 phút chuẩn bị, chiếc xe đạp của anh đã được “hô biến” thành chiếc xe đạp nổi và đó là điểm bắt đầu cho một chiến dịch, một con sông mới.
Anh thường làm việc này mỗi ba tuần một lắm và “tuyển” thêm những đồng đội sử dụng ca-nô, thuyền lớn và cả thuyền chèo nhỏ. Mỗi ngày dọn dẹn như vậy tại Birmingham, Boruah cho biết nhóm tình ngoại vớt được khoảng 275 kg nhựa thải, chất kín một chiếc xe tải nhỏ.
Boruah cho biết, hầu hết các loại nhựa phế thải bao gồm nhựa dùng một lần, hộp xốp và chai nước khoáng. Anh cho biết chúng thực sự nguy hiểm cho môi trường khi phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ li ty và nhập vào không khí, nước biển và dần dần xâm nhập cả vào nguồn thức ăn của chúng ta.
“Ngày ngày chúng ta đang hít phải không khí có nhựa thải, uống nước có nhựa thải và ăn thức ăn bị nhiễm nhựa thải”, anh cảnh báo.
“Bạn nên quan tâm bởi đây là vấn đề của mỗi cá nhân, ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và cả sức khỏe của những người thân quanh ta, nhất là những đứa trẻ. Vậy tại sao chúng ta lại chịu khoanh tay đứng nhìn hành tinh của chúng bị ô nhiễm?”