Chia sẻ về phương án thực hiện sản xuất theo Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND TP Hà Nội với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp quay lại sản xuất, kinh doanh. Các phương án đều căn cứ vào thực tế của bản thân doanh nghiệp với phương án hoạt động riêng đáp ứng quy định sản xuất an toàn.
Kiểm tra sản phẩm tại nhà máy M2F của Công ty CP M2 Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh |
Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thống Nhất Hà Nội Đinh Vũ Minh Việt: Sản xuất, kinh doanh kết hợp thực hiện nghiêm quy tắc 5K
Đối với bộ phận văn phòng DN tiếp tục áp dụng duy trì các bộ phận gián tiếp ở mức 50% nhân lực, triển khai làm online, chỉ lên công ty khi thực sự có việc cần thiết. Khối sản xuất sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế, ăn tại chỗ, giữ khoảng cách an toàn 2m giữa người với người;
Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thống Nhất Hà Nội Đinh Vũ Minh Việt. Ảnh: Hoàng Anh |
Bộ phận kinh doanh cũng duy trì 50% nhân sự, khối thị trường hạn chế tiếp xúc với các đại lý, điểm bán, thực hiện các công việc tele sale, tuân thủ nghiêm quy tắc phòng chống dịch, khối bán lẻ mở cửa kinh doanh trở lại đóng cửa lúc 21 giờ hàng ngày, khách vào cửa hàng đều phải khai báo y tế bằng mã QRcode được dán ngay tại cửa, sát khuẩn, nhân viên đeo khẩu trang khi tư vấn sản phẩm cho khách hàng.
Toàn bộ lái xe, giao nhận từ các tỉnh khác đến công ty ngồi trên cabin, không tiếp xúc trực tiếp với nhân viên trong suốt thời gian giao nhận hàng; Thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ đúng khoảng cách quy định, dừng tất cả các cuộc họp trên 10 người… Do đó, nhờ chuẩn bị sẵn các phương án, từ khi Covid-19 xuất hiện năm 2020, Thống Nhất vẫn duy trì và đạt được kết quả khả quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện trách nhiệm với xã hội.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt: Doanh nghiệp là một “pháo đài” chống dịch
Để sống chung với đại dịch, ổn định sản xuất, May 10 vẫn áp dụng triệt để theo các kịch bản về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp. Thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị. Đặc biệt, phối hợp với các cấp chính quyền để tiêm vaccine mũi 2 tại Hà Nội, tiến tới toàn bộ người lao động tại 7 tỉnh, thành có các nhà máy của May 10 đang hoạt động. May 10 lên kịch bản không bị động về nhân lực, tạo cơ hội thúc đẩy tiến độ giao hàng đúng theo hợp đồng đã ký kết tới các khách hàng trên toàn cầu. Qua đó, bù đắp được khoảng trống do lùi thời hạnh giao hàng.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt. Ảnh: Hoàng Anh
|
Để làm được điều đó, tại May 10 luôn nêu cao tinh thần mỗi người lao động là một “chiến sĩ”, doanh nghiệp lại là một “pháo đài”. Nếu thực hiện tốt việc này, doanh nghiệp không chỉ đảm bảo duy trì được sản xuất kinh doanh, mà còn giúp Chính phủ trong công tác phòng chống dịch. Cùng với các biện pháp phòng chống dịch, May10 đã triển khai tốt việc tuyên truyền phương án phòng chống dịch thường xuyên, liên tục đến từng người lao động, qua đó lan tỏa tinh thần chống dịch của từng cá nhân đến với gia đình và những người xung quanh họ.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường: Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch
Việc TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 22 mở ra cơ hội cho một số hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại. Đứng trước bối cảnh này, các cơ sở kinh doanh, nhà máy sản xuất chủ động lên kế hoạch, triển khai các phương án thích ứng linh hoạt chủ trương của TP. Các trung tâm thời trang M2 tại Hà Nội tiếp tục thực hiện chỉ thị tạm dừng hoạt động bán hàng, chuyển sang kinh doanh online tại fanpage và các sàn thương mại điện tử.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường. |
M2 đặt mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Tập trung nghiên cứu khoa học, phân tích thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các giải pháp phù hợp, hiệu quả từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đồng thời, M2 kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch” với quy tắc 5K + vaccine. Chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, nói đi đôi với làm lấy sự an toàn và lợi ích của xã hội làm trung tâm hoạt động và phát triển trong thời kỳ bình thường mới.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Đỗ Thành Tâm: Đoàn kết vượt qua thử thách
Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Tập đoàn Sơn Hà đã xây dựng các phương án hoạt động tại các nhà máy, cơ sở sản xuất để đảm bảo thực hiện các quy định mới về sản xuất an toàn.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Đỗ Thành Tâm. Ảnh: Hoàng Anh |
Tại các nhà máy sản xuất của Sơn Hà, doanh nghiệp vẫn tuân thủ nghiêm túc quy định 5K, đồng thời áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phương án “3 tại chỗ” vẫn tiếp tục được triển khai tại một số nhà máy ở các khu vực nguy cơ cao nhằm đảm bảo an toàn cho CBCNV, cũng như đảm bảo các hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.
Đối với các đơn vị Logistic, Sơn Hà chỉ đạo các đơn vị hoạt động trên cơ sở đảm bảo điều kiện lưu thông theo quy định của cơ quan Nhà nước như: Tổ chức tiêm phòng vaccine Covid cho lái, phụ xe khi có điều kiện; xét nghiệm PCR cho lái phụ xe; đăng ký “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển, có hợp đồng vận chuyển ghi rõ nơi đi nơi đến… Thành công về phòng, chống dịch Covid-19 của Sơn Hà trong giai đoạn vừa qua là nhờ vào sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm và niềm tin vượt qua thử thách; sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các cấp trong ứng phó với đại dịch, tinh thần tận tụy, cống hiến của tập thể cán bộ, nhân viên Sơn Hà.
Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân: Nên giao quyền chủ động cho doanh nghiệp
Theo Chỉ thị 22 thì doanh nghiệp chỉ bố trí sản xuất, kinh doanh được 50%, đây là điều khó khăn cho doanh nghiệp. 3 tháng cuối năm là cơ hội phục hồi sản xuất, doanh nghiệp buộc phải tăng tốc mới kịp trả đơn hàng cho khách và làm cơ sở ký hợp đồng cho năm sau.
Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân. Ảnh: Hoàng Anh |
Nếu lao động bị hạn chế, doanh nghiệp khó bảo đảm sản xuất được bình thường và bù kế hoạch cho 2 tháng bị giãn cách chống dịch. Do đó, nên chăng giao quyền chủ động cho doanh nghiệp bố trí sản xuất sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Nhất là tiêm đủ mũi 2 vaccien cho ngời lao động, đê doanh nghiệp bứt phá trong thực hiện kế hoạch giao hàng kịp thời cho đối tác.
Mỗi doanh nghiệp tự phải bố trí phương án sản xuất để phòng chống dịch tốt, bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh tiến độ sản xuất kinh doanh. Hiện việc lưu thông hàng hoá giữa các tỉnh vẫn gặp khó khăn, Chính phủ cần chỉ đạo để thống nhất trong cả nước, đảm bảo hàng hoá được thuận lợi, giúp doanh nghiệp đáp ứng kịp thời phục vụ cho khách hàng. Doanh nghiệp đang mong chờ giải pháp của Nghị quyết 105 của Chính phủ sớm đi vào thực tiễn để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.