Đại dịch Covid 19 đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung và doanh nghiệp nói riêng ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng cho mình một kịch bản để có thể ứng phó cũng như đưa ra sáng kiến và nỗ lực, vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển trong bối cảnh đặc biệt của Covid-19.
Trong hai năm qua, dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động thương mại quốc tế bị gián đoạn. Không thể phủ nhận tình trạng “sốc” của nhiều doanh nghiệp Việt Nam trước tình hình diễn biến của dịch bệnh. Các doanh nghiệp sản xuất, phục vụ xuất khẩu rơi vào khó khăn khi vừa thiếu thốn nguồn cung nguyên liệu, vừa bế tắc đầu ra. Tuy nhiên, cho đến nay rất nhiều doanh nghiệp không chỉ thích ứng, cầm cự để tồn tại mà còn có ý chí vươn lên với một khát vọng, tầm nhìn tốt hơn.
Sở hữu hệ thống phân phối xe đạp trải dài các tỉnh thành trên cả nước, anh Nguyễn Phúc Linh – Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội chia sẻ: “Trong vòng 4 năm sau cổ phần hóa của xe đạp Thống Nhất, đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu trong và ngoài nước, xe đạp Thống Nhất vẫn đứng vững và luôn đạt mức tăng trưởng hàng năm. 2017 – 2019 xe đạp Thống Nhất tăng trưởng trung bình 50%/năm, đặc biệt khi Covid-19 xuất hiện năm 2020 Thống Nhất tăng trưởng 90% và dự báo năm 2021 tăng trưởng 115%.”
Các chuyên gia nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dich bệnh.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cũng cho hay: “Đầu tiên phải kể đến sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và những biện pháp chuyển dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra rất mạnh mẽ. Tiếp theo là bài toán tối ưu chi phí, tối ưu dòng tiền cũng được doanh nghiệp đẩy mạnh. Ở đây không phải là bài toán mạnh dạn mà là buộc doanh nghiệp phải đẩy mình vào tình thế đóng cửa những chuỗi sản xuất kinh doanh để có thể tối ưu hóa trên một vài cơ sở còn lại, doanh nghiệp cũng đã làm rất mạnh mẽ.”
Những nỗ lực của chính doanh nghiệp để vươn lên trong bối cảnh khó khăn của đại dịch là rất đáng ghi nhận. Đây là những cơ sở để tin rằng, kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.