Sản phẩm của Thống Nhất được chia làm 3 dòng: Dòng xe đạp cho trẻ em, xe đạp phố và xe thể thao. Mức giá phổ biến từ 1,89 – 6,75 triệu đồng.
Ít ai biết câu chuyện về hành trình “lột xác” của những chú ngựa sắt Thống Nhất từng là thương hiệu đình đám một thời…
“Sống” sau cổ phần hóa
Sau cổ phần hóa, Thống Nhất luôn đổi mới công nghệ, cải tiến về thiết kế, kiểu dáng, mẫu mã
Ra đời từ năm 1960, Xe đạp Thống Nhất là một trong những thương hiệu lâu đời của Việt Nam, gắn bó với nhiều thế hệ.
Thời kỳ đó, xe đạp bắt buộc phải có số khung và thẻ đăng ký, luôn mang theo như giấy đăng ký xe máy bây giờ. Xe đạp Thống Nhất luôn là niềm mơ ước của nhiều người, thậm chí còn là niềm tự hào của người Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước.
Thế nhưng dần dần, khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng, sự cạnh tranh trên thị trường xe đạp vô cùng khốc liệt, thương hiệu Thống Nhất tưởng chừng bị “khai tử”.
Cuối những năm 2015, Xe đạp Thống Nhất bắt đầu lao dốc khi các thương hiệu xe đạp như: Giant, Merida, Wiel, Peugeot, Missile, Newway, Momemtum… bắt đầu có mặt tại thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thống Nhất nhớ lại, thời điểm đó, doanh thu của công ty sụt giảm mạnh, hệ thống đại lý chỉ xuất hiện tại đúng 5 tỉnh, thành với 33 điểm bán hàng, sản lượng vỏn vẹn hơn 16.000 xe/năm.
Tâm lý người mua là trở ngại lớn với Thống Nhất. Phần lớn trong tâm thức người tiêu dùng, đại lý, nhà phân phối là thương hiệu xe đạp Thống Nhất đã… “chết”.
Tuy nhiên, dấu mốc cổ phẩn hóa (ngày 27/2/2017), từ Công ty TNHH MTV Thống Nhất chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội đã hồi sinh thương hiệu vang bóng một thời.
Ông Đinh Vũ Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội kể: Chiến lược mới của Thống Nhất sau khi cổ phần hóa là tập trung khai thác ngay tại các điểm bán lẻ trên diện rộng, thay đổi chính sách bán hàng, truyền thông tại điểm bán và trên mạng, tài trợ, tiếp cận các kênh dự án (từ thiện, khu nghỉ dưỡng)…
Nhờ đó, ngay sau khi cổ phần hóa, Thống Nhất đã thực hiện thành công hợp đồng cung cấp hơn 3.000 xe đạp cho Công an TP Hà Nội. Đây là cú hích lớn mà các thương hiệu ngoại khó có thể làm được.
Để làm được điều đó, ngay khi cổ phần hóa, ban lãnh đạo bắt tay ngay vào cải tổ mô hình quản trị, đầu tư nâng cấp hạ tầng, máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất và thay đổi mẫu mã sản phẩm.
Đến nay, thương hiệu xe đạp Thống Nhất đã có mặt trên 50 tỉnh, thành, phát triển lên tới hơn 500 điểm bán cùng nhiều nhà phân phối trên toàn quốc. Sản phẩm cũng đã cung cấp và phân phối tại hệ thống Aeon mall, Điện máy xanh trên toàn quốc.
Ông Việt khoe, sau cổ phần hóa, doanh thu và sản lượng của Thống Nhất tăng trưởng đều đặn trên 40% mỗi năm. Ở thời điểm hiện tại, mức tăng trưởng trên 200% so với thời điểm chuyển đổi.
“Từ năm 2017 tới nay, công ty nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các quốc gia khác nhau ở mọi châu lục như: Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Malaysia, Singapore…Tuy nhiên, chiến lược của công ty vẫn là tập trung phát triển vững chắc thị trường nội địa”, ông Việt chia sẻ.
Hành trình gian nan
Anh Hồ Tuấn Anh (Long Biên, Hà Nội) có nhu cầu tìm mua 2 xe đạp thể thao cho gia đình. Ban đầu, anh hướng tới sản phẩm nhập ngoại, tuy nhiên, khi tìm hiểu, hình ảnh xe đạp dáng thể thao của Thống Nhất lại thu hút anh.
Mẫu mới của xe đạp Thống Nhất có kiểu dáng rẻ trung, hiện đại
Anh Tuấn Anh chia sẻ, trong tư duy đã “định vị” xe đạp Thống Nhất thuộc dòng sản phẩm “nồi đồng cối đá”, song chưa hấp dẫn về mẫu mã. Nên khi dòng xe mới của thương hiệu này ra đời với kiểu dáng trẻ trung, hiện đại, lại có giá cả hợp lý, thấp hơn nhiều so với xe nhập, anh đã quyết định chọn.
Theo khảo sát của Báo Giao thông, sản phẩm của Thống Nhất được chia làm 3 dòng: Dòng xe đạp cho trẻ em, xe đạp phố và xe thể thao. Mức giá phổ biến từ 1,89 – 6,75 triệu đồng.
“Để đưa ra được mức giá trên là cả một hành trình “lột xác” gian nan của Thống Nhất”, ông Đinh Vũ Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội chia sẻ và cho hay, có 3 yếu tố khiến cho xe đạp Thống Nhất bị cạnh tranh gay gắt với thương hiệu ngoại, đó là sản phẩm, giá bán, tâm lý người tiêu dùng.
Thời điểm mới cổ phần hóa, cơ cấu sản phẩm của Thống Nhất còn yếu, mẫu mã không được cải tiến, đổi mới sau một thời gian dài. Do đó, để thay đổi, công ty phải tìm nhiều cách thức khác nhau và xây dựng lộ trình cụ thể, từng bước một.
Với nhân sự, công ty đã tập trung phân loại, sàng lọc và sắp xếp lại, cấu trúc lại hệ thống tiền lương, khoán sản lượng tới từng phân xưởng, đề cao tính sáng tạo, kỷ luật, tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ.
Còn với công nghệ, Ban lãnh đạo công ty đặt ra yêu cầu không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị, kỹ thuật, giúp sản phẩm cải tiến về thiết kế, kiểu dáng, mẫu mã, công năng, dựa vào các báo cáo nghiên cứu trải nghiệm của người dùng.
Vấn đề nan giải nhất là giá cả. Theo ông Việt, cùng một chất lượng thì sản phẩm nhập khẩu có giá thành rẻ hơn xe đạp Thống Nhất từ 10 – 15%. Để giải quyết bài toán này Thống Nhất đã tập trung vào cơ cấu và quản lý chặt chẽ chi vận hành, bán hàng, sản xuất.
Ngoài ra, Thống Nhất cũng chuyển hướng tìm kiếm các nguồn nguyên liệu chất lượng, có sự khác biệt và giá thành cạnh tranh, được kiểm định bởi những cán bộ có kinh nghiệm lâu năm.
“Chúng tôi không lựa chọn chiến lược giá làm yếu tố cạnh tranh mà đặc biệt quan tâm tới chi phí thấp, tất cả mọi hoạt động trong công ty đều hướng tới chi phí tối ưu nhất, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất”, ông Việt lý giải.
Để cạnh tranh, Thống Nhất đã tập trung cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng và sau bán hàng. Mọi chế độ bảo hành, hậu mãi được quan tâm đặc biệt.
Cú hích trẻ hóa thương hiệu “đã già”
Ông Đinh Vũ Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội
Dù có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tuy nhiên, ông Việt cũng phải thừa nhận, tăng trưởng ngày hôm nay của Thống Nhất là nhờ “cú hích Covid-19”.
Ông cho biết: Thời điểm năm 2020, 2021, cơ hội mở ra khi nhu cầu sử dụng sản phẩm xe đạp tăng cao do người dân bị hạn chế tụ tập khu vực đông người như công viên, phòng gym…
Lúc đó, xe đạp gần như là phương tiện và công cụ thể dục duy nhất được người dân ở mọi lứa tuổi lựa chọn. Riêng số lượng xe đạp được bán ra trong năm 2020 ước đạt 300.000 xe…
“Nắm bắt lấy cơ hội, chúng tôi nhanh chóng bắt tay đầu tư, nghiên cứu và phát triển nhanh nhất có thể những dòng sản phẩm phục vụ và đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Doanh thu những năm đó tăng trưởng 90%…
Qua những diễn biến đó, chúng tôi nhận thấy cần phải “trẻ hóa” một thương hiệu “đã già” sau nhiều năm, thậm chí nhiều người tưởng như đã chết”, vị lãnh đạo bày tỏ.
Hiện, mục tiêu chính của Thống Nhất là phát triển thêm những mẫu mã với yếu tố an toàn, thân thiện với người sử dụng và môi trường.
Năm 2022, công ty đã ký kết hợp tác hình ảnh với các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, sở hữu bản quyền hình ảnh các nhân vật hoạt hình, các sản phẩm chiến lược sẽ được ra mắt vào năm 2023.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội cho biết, năm 2020 số lượng xe bán ra đạt mức kỷ lục với hơn 300.000 xe.
Về doanh thu, năm 2022 tăng trưởng hơn 50% so với năm 2021 và tăng trưởng 200% so với thời điểm trước cổ phần hóa. Năm 2022, số lượng xe bán được là gần 200.000 xe, doanh thu hơn 400 tỷ đồng.
Thống Nhất được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích nhất, sản phẩm Việt Nam tốt nhất; Giải thưởng Sao Vàng đất Việt; Bộ Công thương công nhận và tặng danh hiệu Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, Thương hiệu Quốc gia. Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội còn vinh dự cung cấp sản phẩm xe đạp chuyên dụng cho lực lượng cảnh sát các tỉnh, thành trong cả nước.
Nguồn: Báo Giao Thông