Không chỉ nổi tiếng với những kênh đào đan xen chằng chịt, Amsterdam – “Venice phương Bắc” còn được mệnh danh là “thủ đô nhiều xe đạp nhất thế giới”.
Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) nằm bên bờ sông Amstel thơ mộng có bầu không khí trong lành. Thành phố này có vẻ đẹp lãng mạn như một bức tranh cổ tích với ba biểu tượng là kênh đào, quán cafe và xe đạp.
Dạo bước dọc theo các cây cầu bắc ngang dòng kênh hay những con đường lát đá nhẵn bóng theo thời gian, chẳng khó khăn để du khách bắt gặp những chiếc xe đạp leng keng chạy vụt qua. Bất kỳ ai khi đến đây cũng thích thú với không khí căng tràn sức sống từ vô số chiếc xe đạp đủ loại và những dáng người khỏe mạnh, vững chãi ngồi trên xe. Người dân đạp xe với tâm trạng thoải mái như một lẽ dĩ nhiên chứ không vì những lý do cao siêu nào.
Chỉ tốn khoảng gần 20 euro, du khách có thể chọn một tour vòng quanh Amsterdam bằng xe đạp; còn nếu thích tự mình khám phá theo cách riêng, chỉ cần thuê một chiếc để loanh quanh khắp mọi nẻo đường.
Xe đạp ở Amsterdam là phương tiện giao thông cá nhân phổ biến. Thành phố có tới gần 60% số hành trình đi lại được thực hiện bằng xe đạp và có khoảng gần triệu chiếc xe đạp, thậm chí còn nhiều hơn 20% dân số của thành phố này.
Với địa hình bằng phẳng cùng cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tốt, vươn tới mọi ngóc ngách, đi xe đạp là hình thức di chuyển thuận tiện và an toàn nhất ở thủ đô Hà Lan.
Khắp các nẻo đường nơi đây, ấn tượng rõ rệt nhất luôn là hình ảnh người dân đạp xe với những chiếc xe đủ kiểu dáng, đủ màu sắc và những bãi đỗ xe đạp rộng lớn, nhiều cao ốc hàng chục tầng rộng lớn chỉ với mục đích là nhà để gửi xe đạp.
Người đi xe đạp thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ ông bà già đến những cô, cậu nhóc 5-7 tuổi. Chính họ và những chiếc xe đạp với guồng quay đều đặn đã làm cho từng cung đường, từng góc phố ở Amsterdam thêm sôi nổi, nhộn nhịp.
Nhưng thói quen văn minh này không phải tự nhiên mà có. Văn hóa đạp xe mà Amsterdam có được hiện nay là kết quả của một quá trình kéo dài nhiều thập niên.
Vào thập niên 1960, 1970, Amsterdam là một thủ đô có quá nhiều xe hơi và xe đạp không mấy được chú trọng. Khi ấy, các kỹ sư muốn quy hoạch và xây dựng những con đường cao tốc để phù hợp với xe hơi. Lập tức, các phong trào xã hội xuất hiện nhằm phản đối việc quy hoạch này. Năm 1972, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông lên đến đỉnh điểm, tiếp đó năm 1973, khủng hoảng dầu khí toàn cầu khiến giá xăng tăng vọt. Chính phủ buộc phải cấm người dân sử dụng xe hơi một ngày trong tuần. Sau sự việc đó, doanh số bán xe đạp bắt đầu tăng. Các nhóm vận động môi trường phản đối ô tô. Điều này khiến Chính phủ chú ý và chính thức giới thiệu Kế hoạch lưu thông giao thông vào năm 1978 dành nhiều ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ.
Người dân Amsterdam quan niệm, so với các loại phương tiện khác, xe đạp có nhiều lợi ích như giá thành rẻ, thân thiện với môi trường, giúp tăng cường sức khỏe lại không tốn nhiều không gian, diện tích nên không gây ra tình trạng tắc đường như xe hơi.
Xe đạp ở Amsterdam có đường riêng, song song với xe bốn bánh. Chính phủ Hà Lan đã thi hành những chính sách khuyến khích người dân đi xe đạp để giảm thiểu số lượng xe ô tô lưu thông nội đô bằng cách giới hạn tốc độ tối đa, thu phí đỗ xe hơi đắt đỏ, thu hẹp làn đường ô tô để dành chỗ cho xe đạp, xây dựng nhiều cầu vượt hoặc hầm đường bộ dành cho xe đạp và người đi bộ qua các tuyến đường đông phương tiện. Các cây cầu trên khắp Hà Lan cũng đều có tuyến đường riêng dành cho xe đạp.
Để vận động dân chúng đi xe đạp, chính quyền Amsterdam còn có một chính sách rộng mở cho người chưa có xe đạp hoặc không thích mua xe đạp, đó là chương trình “Xe đạp thuê”. Bất kỳ ai muốn thuê thì mua một thẻ thuê xe đạp với giá 50 euro/tháng. Có thẻ trong tay, người dân có thể đến bất cứ bãi xe đạp nào của chính phủ cho thuê để lấy xe.
Với cách làm này, thủ đô của Hà Lan giảm tải được không ít khói bụi từ các phương tiện khác. Nhịp sống của thành phố vì thế vẫn giữ được sự thư thái, chậm rãi nhưng cũng không kém phần sôi động.
Hiện nay, Hà Lan là một trong số ít quốc gia thực sự khuyến khích sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người sử dụng loại phương tiện không khói này, chính quyền thành phố Amsterdam dự định từ nay đến trước năm 2030 sẽ đầu tư thêm 200 triệu euro để phát triển mới và cải thiện cơ sở hạ tầng cho giao thông đô thị bằng xe đạp; xây dựng những tuyến đường xe đạp mới, tăng thêm chỗ để cất giữ xe công cộng trong đô thị, nâng cao chất lượng mặt đường, quy hoạch lại hệ thống biển báo giao thông trong đô thị để đi xe đạp được an toàn và nhanh chóng…
“Thân thiện với người đi xe đạp” là khẩu hiệu hành động và mục tiêu phấn đấu của đô thị này.